10 QUY TẮC VÀNG GIÚP HỌC GIỎI TIẾNG NHẬT

Đây là phương pháp học được ghi lại qua trải nghiệm thực tế của người đã thành công trong việc học tiếng Nhật. Bạn nào muốn giỏi tiếng Nhật, thì chỉ cần ghi nhớ và thực hành theo, đảm bảo “HIỆU QUẢ BẤT NGỜ”

Quy tắc 1: “Học từ mới”_ Trước khi học bài mới (bài sẽ được giáo viên giảng dạy trên lớp), các bạn tự học thuộc từ sẽ phát sinh trong bài học. Điều này sẽ giúp các bạn không bỡ ngỡ khi từ đó được nhắc đến trong bài giảng, nhờ đó mà các bạn tự tin và tập trung vào lời giảng về cách sử dụng từ và cú pháp đặt câu.

⇒ Đây là tiêu chí giúp các bạn hiểu và nhớ nhanh những điều được giảng trên lớp.

Quy tắc 2: “Xem trước bài sẽ học”_ Các bạn nên lập kế hoạch xem trước nội dung ngữ pháp của bài sẽ học. Tự mình lý giải ý nghĩa và cách sử dụng của từng mẫu câu. Ghi lại những điều tự mình chưa lý giải được, chờ nghe hướng dẫn và giải thích của giáo viên.

⇒ Đây là tiêu chí giúp các bạn nhanh nắm bắt và lĩnh ngộ sâu sắc ý nghĩa của phần ngữ pháp sẽ được học trong bài đó.

Quy tắc 3: “Làm bài tập” _Sau mỗi bài học, luôn có phần luyện tập mẫu câu đã học. Các bạn làm hết tất cả các bài tập mà giáo viên đưa ra. Trong quá trình làm bài tập, nếu phát sinh vấn đề “chưa tự lý giải được”, ghi lại vào sổ, chờ đến khi có giáo viên sẽ hỏi. Nếu phát sinh từ mới, thì ghi vào sổ, có thể tự tra từ điển hoặc hỏi cô giáo sau đó.

              ⇒ Đây là tiêu chí ngoài việc giúp các bạn nhớ sâu những gì đã học, còn giúp tiết kiệm thời gian và học phí học tại lớp.

Quy tắc 4: “Phát âm”_ Trong mỗi bài học điều có file âm thanh. Sau khi được hướng dẫn cách phát âm trên lớp, các bạn mở file âm thanh nghe lại tại nhà, đọc theo, chú ý âm điệu.

              ⇒ Đây là tiêu chí giúp các bạn phát âm giống người Nhật.

Quy tắc 5: “Nghe hiểu”_ Để giải được các bài tập nghe hiểu tại lớp, các bạn cần nghe trước nhiều lần tại nhà. Cố gắng nghe hết những gì khả năng bạn có thể. Ghi lại những từ hoặc câu mà bạn nghe được nhưng không hiểu nghĩa (ghi theo những gì bạn nghe được mặc dù có thể bạn nghe chưa đúng), sau đó chờ được giáo viên giải thích tại lớp.

              ⇒ Đây là tiêu chí giúp bạn nắm bắt được vấn đề khi làm bài tập nghe trên lớp. Nếu không, khi âm thanh được phát ra, bạn hoàn toàn không hiểu họ nói gì.

Quy tắc 6: “Đọc hiểu” _Nắm rõ nguyên tắc cấu thành câu và thuộc từ là yêu cầu cần thiết để giải bài tập đọc hiểu. Nếu bạn đã thực hiện “Quy tắc 1” và “Quy tắc 2” thì không cần phải lo lắng về bài tập này. Ngoài ra, cần đọc thêm nhiều loại sách khác nhau (có cùng cấp độ) để nâng cao vốn từ và quen dần với cách hình thành câu văn. Và đừng quên để ý đến các từ dùng để nối câu và chuyển tiếp đoạn văn nhé. Điều này sẽ được giáo viên hướng dẫn cụ thể theo từng bài, chỉ cần bạn để tâm là hiểu ngay mà.

              ⇒ Đây là tiêu chí giúp bạn dễ dàng hiểu được ý tứ của từng câu văn trong bài viết.

Quy tắc 7: “Học chữ Kanji” _Nhiều bạn cho rằng việc học chữ Kanji là “nan giải”. Chỉ với tư tưởng này đã ngăn cản bạn đến gần với chữ Kanji. Thay vào đó, hãy nghĩ rằng “Viết chữ Kanji là một trò tiêu khiển”, thật vậy, mỗi ngày 30’, 40’ hay 60’ tuỳ vào quỹ thời gian bạn có thể thu xếp…đọc và viết lại những từ bạn được hướng dẫn trên lớp.

              ⇒ Đây là tiêu chí giúp bạn quen tay, quen mắt với chữ Kanji và cũng cố vốn từ vựng của bạn.

Quy tắc 8: “Nhìn tranh nghĩ ra câu và từ” _Trong giáo trình giảng dạy, sẽ có phần bài tập yêu cầu học viên đặt câu hoặc nói từ theo tình huống tranh vẽ. Điều này các bạn sẽ được giáo viên hướng dẫn tại lớp, chỉ cần các bạn tập trung nghe giảng là được.

⇒ Đây là tiêu chí giúp bạn phản ứng nhanh với hoàn cảnh thực tế, có khả năng đưa ra câu và từ tiếng Nhật phù hợp cho từng hoàn cảnh, tình huống. 

Quy tắc 9: “Đàm thoại” _Không được lãng phí giờ học đàm thoại trên lớp, cho dù bạn chưa nói được hoàn hảo vẫn cứ nói, dù biết sẽ nói sai vẫn cứ nói không ngần ngại, nói càng nhiều càng tốt… để giáo viên sửa sai cho bạn. Vì chỉ có sửa sai các bạn mới hoàn thiện được.

⇒ Đây là tiêu chí giúp bạn biết được khả năng ứng dụng tiếng Nhật của mình ở mức độ nào. Từ đó cải thiện tốt hơn.

Quy tắc 10: “Xem lại những gì đã học” Tất cả chúng ta đều có xu hướng quên dần những gì đã nhớ trước đó. Vì thế, các bạn cần phải lập kế hoạch “ôn” lại những gì đã học. Hãy tập thói quen đọc lại bài, sách, tài liệu, bài tập… mà bạn đã từng làm trong thời gian trước.

⇒  Đây là tiêu chí giúp các bạn nhớ kỹ, nhớ sâu những gì đã học. Cũng là nên tảng vững chắc để các bạn học lên mức cao hơn.

*****************CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG******************